Old school Swatch Watches



XEM DANH MỤC
Bí ẩn về loài Rồng
Rồng, chữ hán là Long, chữ Phạn là Nâga, là một loài sinh vật thuộc thế giới vô hình, và cũng là một loài trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng)
Theo thần thoại, rồng có hình dạng rất lạ kỳ: đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly.
Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: "Long thường tại định, vô hữu bất định thì." Nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.
Có rất nhiều loại rồng, được phân ra tùy theo màu sắc, tùy theo hình dáng đầu rồng hoặc tùy theo phận sự của nó:
I. Phân loại theo màu sắc: Có 5 loại:
1. Rồng trắng: Bạch long, toàn thân màu trắng

2.Rồng vàng: Huỳnh long, toàn thân màu vàng

3.Rồng xanh: Thanh long, toàn thân màu xanh sậm

4.Rồng đỏ: Xích long, toàn thân màu đỏ

5.Rồng đen: Hắc long, toàn thân màu đen.

II. Phân chia theo hình dáng: 3 loại:
• Rồng trẻ, đầu không có sừng, gọi là Ly long.
• Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.
• Rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh, gọi là Ứng long.
III. Phân chia theo nhiệm vụ: có 4 loại:
• Thủ Thiên cung long: Rồng ở cõi Trời, gìn giữ Thiên cung.
• Hành võ long: Rồng làm mưa (Hành là làm, võ hay vũ là mưa). Rồng nầy có hai hạng:
o Thiện long thì làm cho mưa thuận gió hòa.
o Ác long thì làm cho mưa to, gây lũ lụt
• Địa long: Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm khoét hang, làm thành sông, hồ, biển.
• Phục tạng long: Rồng giữ gìn kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh vương và các nhà phước đức lớn.
Tương truyền, rồng ở đáy biển, có lầu đài cung điện, có tổ chức vua, quan, quân lính. Rồng làm vua gọi là Long vương, cung điện của Long vương là Long cung, các quan của vua rồng là loài cá lớn, quân lính là các loài cá nhỏ.
Theo Truyện Phong Thần và Tây Du Ký, có Tứ Hải Long vương là 4 vị Long vương ở bốn biển:
• Đông Hải Long vương: ở biển Đông tên Ngao Quảng. 
• Nam Hải Long vương: ở biển Nam tên Ngao Thuận.
• Tây Hải Long vương: ở biển Tây tên Ngao Khâm.
• Bắc Hải Long vương: ở biển Bắc tên Ngao Nhuận.
■ Cũng trong truyện Tây Du, con Bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long nầy vốn là Thái tử con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho tiểu long để sau nầy bắt tiểu long biến thành bạch mã, đỡ gót cho Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao chuộc tội nầy, sau khi thỉnh kinh xong, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.
■ Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái Tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi nơi mé biển, bị một ông chài bắt được, đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả xuống.
Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên dạy Long Nữ đem cục ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn.
Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin qui y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử .
Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát.
■ Trong lịch sử Việt Nam, lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không phải là nơi đóng đô, muốn dời đến La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, vua thấy một con rồng vàng xuất hiện, từ La Thành bay thẳng lên Trời. Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, nên chọn La Thành làm nơi đóng đô, đổi tên lại là Thăng Long (Rồng bay lên) để kỷ niệm ngày thấy rồng vàng bay lên trời. Nhà Lý đóng đô tại Thăng Long, truyền ngôi được 9 đời, kéo dài 215 năm.
HOME